07/05/2024
Vi mạch ngày nay đã trở thành sản phẩm chiến lược, không chỉ là sản phẩm công nghệ cao, mà đã thực sự trở thành linh kiện chủ chốt cho mọi sản phẩm công nghiệp, từ dân dụng tới quân sự. Hiện nay, đã xuất hiện những cơ hội mới cho phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, từ lợi thế quy mô dân số 100 triệu dân và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, là điều kiện thuận lợi cho thị trường công nghiệp chíp bán dẫn.
Việt Nam cũng đang có một số yếu tố thuận lợi để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhất là về vị trí địa lý cũng như quan hệ gần gũi với các cường quốc về bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Hiện nay, chúng ta cần tập trung vào công đoạn thiết kế chip và ứng dụng chip. Việt Nam đã phát triển thiết kế vi mạch từ rất lâu, tuy nhiên Việt Nam chủ yếu mới chỉ dừng ở công đoạn gia công, chưa có đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư, làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh, nên cần có định hướng, hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước để đưa ngành công nghiệp vi mạch phát triển đúng hướng và nâng lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch được chú trọng không những cung ứng cho nhu cầu trong nước mà còn cho nhu cầu nước ngoài. Mục tiêu là trở thành một cái “hub”, một trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới. Hiện nay làn sóng dịch chuyển đầu tư và hợp tác đào tạo kỹ sư thiết kế chíp sang Việt Nam từ một số tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Synopsys,… Nhu cầu nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chíp là rất lớn và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được dự báo sẽ phát triển mạnh trong mười năm tới.